Chia sẻ tại diễn đàn mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã có những dự báo về thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới.
Vị chuyên gia này cho rằng, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Mọi sự chuyển biến sẽ diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi tích lũy trước đó, cùng với sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đô thị hóa.
Kết quả phục hồi vẫn có sự phân hóa theo phân khúc và khu vực tương tự như quý 1/2024. Phân khúc có nhu cầu lớn là căn hộ chung cư sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Tiếp đến là nhà, đất thổ cư khi các nhà đầu tư ngày càng chắc chắn hơn về triển vọng phục hồi của thị trường sau khi trải qua quá trình “thăm dò”.
Phân khúc đất nền tiếp tục được các nhà đầu tư “săn đón”. Tuy nhiên, giao dịch sẽ chỉ tập trung tại các lô nhỏ ở các khu vực có hạ tầng hoàn thiện, đảm bảo pháp lý. Nhà đầu tư sẽ cắt lỗ để “thoát hàng” lô đất to, chưa tách thửa. Bởi Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã siết chặt hoạt động phân lô bán nền.
Phân khúc nhà ở xã hội đón nhận tin vui nhờ các quy định mới sẽ tháo gỡ phần nào những khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua.
Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh với nhiều hơn nguồn cung chất lượng, thu hút dòng vốn FDI từ các ngành công nghệ cao.
Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khó có thể phục hồi trong ngắn hạn nhưng sẽ có thêm nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là sản phẩm condotel, căn hộ cao tầng gắn với du lịch nghỉ dưỡng thuộc những địa bàn du lịch truyền thống, trọng điểm.
Phân khúc bất động sản thương mại duy trì đà tăng trưởng ổn định. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tiếp tục được đẩy mạnh với tần suất và quy mô ngày càng lớn.
Theo VARS, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Nai vẫn sẽ là những điểm sáng trên cả nước.
Minh chứng cho sự phục hồi dần này có thể thấy, các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được trình vào tháng 5 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ là “chất xúc tác” thúc đẩy quá trình phản ứng của các nhóm vấn đề trên thị trường nhằm cho ra những kết quả phục hồi rõ nét hơn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VARS, cần lưu ý nguy cơ phát sinh “mâu thuẫn” nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và link được đầy đủ với các điều luật và/hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường.
Cùng với đó, dòng tiền từ các kênh khả năng cao sẽ “mạnh dạn” tìm về thị trường bất động với số lượng nhiều hơn, việc tiếp cận cũng thuận lợi hơn.
Số lượng các chủ thể sẵn sàng “tái nhập cuộc” sẽ tăng lên. Điều này được thể hiện qua: Nhiều hơn các dự án được kickoff, giới thiệu, mở bán ra thị trường; Số lượng sàn giao dịch, môi giới bất động sản quay trở lại hoạt động tăng lên thêm khoảng 30-40%; Khách hàng/nhà đầu tư tìm về kênh bất động sản tăng lên, bao gồm cả khách mua ở thực và khách hàng đầu tư. Các Ngân hàng cũng rục rịch nhập cuộc để chuẩn bị cho giai đoạn chạy đua các chính sách cho vay. Tuy vẫn đề cao tính an toàn, song sẽ có sự cởi mở hơn với cả chủ đầu tư và khách hàng.
“Sau khi trải qua trận ốm thập tử nhất sinh, các chủ thể còn tồn tại sẽ có được “kháng thể”. Tuy không thể ngay lập tức, bất động sản “bật dậy”, nhưng chắc chắn sẽ hồi phục dần cho đến khi đủ lực để phát triển trong chu kỳ mới”, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.