Có nên bán nhà ngoại thành, mua chung cư nội thành để thoát cảnh trời mưa, tắc đường?

  07/08/20237:53 sáng

Tắc đường nhất là khi trời mưa khiến nhiều gia đình trẻ quyết định bán nhà ngoại thành, mua chung cư nội thành.

Năm 2015, vợ chồng chị Hạnh mua căn chung cư 65 m2 với giá 1,1 tỷ đồng tại Hoài Đức. Năm đó, nhờ gói vay 30.000 tỷ với lãi suất ưu đãi, vợ chồng chị Hạnh đã có căn nhà để ở. Cứ tưởng rằng sẽ an cư lập nghiệp tại đây mãi, nhưng cuối cùng, vợ chồng chị Hạnh phải đưa ra quyết định bán nhà để mua căn chung cư nội thành. Lý do mà chị Hạnh đưa ra đó là việc đi làm với khoảng cách 13km quá tốn công sức và thời gian.

“Cách đây 3 năm, tắc đường trên đại lộ Thăng Long rất hiếm xảy ra. Nhưng đến hiện tại, cứ khoảng sáng tầm 7h30-8h sáng hoặc chiều từ 17h-18h, trên đoạn đường Đại lộ Thăng Long, tắc ở nhiều điểm giao. Thậm chí ngay điểm giao Lê Trọng Tấn với Đại lộ Thăng Long cũng tắc. Có hôm tôi đi làm, tắc từ điểm giao đó đến qua hầm chui ở Vinhomes Smart City. Ám ảnh nhất là ngày mưa, đường tắc, các nút có hầm đều ngập”, chị Hạnh kể.

Nếu như trước đây, vợ chồng chị Hạnh dự tính sẽ “an cư lập nghiệp” lâu năm do ở ngoài thành, không khí thoáng mát, hàng xóm thân thiện.

Tuy nhiên, đến hiện tại, việc di chuyển vào nội thành đi làm chật vật khiến hai vợ chồng chị Hạnh quyết định bán nhà. “Căn nhà tôi đang rao với giá 2,1 tỷ đồng. Dự kiến thu về 2 tỷ đồng. Tôi tính vay thêm 500 triệu và 1 khoản tiền tự có để mua luôn căn 3 phòng ngủ ở Mỹ Đình”, chị Hạnh nói.

 

Cũng theo chị Hạnh, giá chung cư ngoại thành tăng nhanh hơn so với giá chung cư nội thành. Tính ra, khoản phí bù đắp cho căn chung cư mới không còn là gánh nặng với hai vợ chồng chị Hạnh. “Tầng tôi có 12 nhà, nhiều nhà đều phải bán nhà vào nội thành ở vì sợ tắc đường, muốn gần trường con”.

Anh Khánh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Lý do khác mà vợ chồng anh quyết định bán căn chung cư ở Hà Đông còn bởi con trai đầu tiên đỗ vào trường chuyên. Vợ chồng anh Khánh bán căn chung cư với giá 1,7 tỷ đồng và bù thêm khoản tiền 800 triệu đồng để mua căn chung cư đã qua sử dụng ở Thanh Xuân.

Anh Khánh phân tích: “Tôi mua căn chung cư từ năm 2014, giá 1,1 tỷ đồng. Giờ bán được 1,7 tỷ đồng. Giá chung cư ở ngoại thành hiện tại tiệm cận với giá chung cư nội thành nên việc bù tiền thêm không còn là gánh nặng. Chưa kể, hiện tại, nếu ở ngoại thành, tôi với vợ đều đi làm xa, không thể di chuyển liên tục đưa đón con và đi làm. Việc đi học thêm cũng hạn chế vì nhà tôi quá xa trung tâm.

Tôi lựa chọn mua nhà trong nội thành để tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí xăng xe”.

Anh Phạm Thái, giám đốc công ty địa ốc ở Hà Nội cho rằng: “Thị trường xuất hiện làn sóng “di cư” từ ngoại thành vào nội thành. Những lớp gia đình trẻ mua nhà ngoại thành như chung cư, nhà đất trong ngõ sau vài năm tích luỹ đang đổ dồn về trung tâm Hà Nội. Thêm nữa, giá chung cư ngoại thành đang tăng gần bằng giá chung cư nội thành khiến việc đổi nhà không còn khó khăn”.

Mặt khác theo anh Thái, “Sẽ có lớp trẻ mới kết hôn sẽ bắt đầu bằng việc mua căn chung cư ngoại thành hay nhà đất trong ngõ. Và sau vài năm, họ cũng sẽ bắt đầu dịch chuyển vào nội thành. Đó là xu hướng chung. Dù trước đây, làn sóng dịch chuyển ra ngoại thành gia tăng do họ cho rằng, hạ tầng giao thông phát triển. Nhưng tình trạng tắc đường là lý do khiến cho người trẻ muốn di chuyển vào nội thành để tiết kiệm thời gian, chi phí”.

Tuy nhiên, theo anh Thái, “Dẫu vậy, một lớp dân cư giàu có, sở hữu ô tô sẽ dịch chuyển ra ngoại thành. Họ có nhu cầu mua biệt thự, liền kề vùng ven như phương án tích sản cũng như nhu cầu ở khu vực yên tĩnh, không ồn ào. Việc di chuyển bằng ô tô trên tuyến đường cao tốc khiến cho nhóm cư dân này cho rằng, khoảng cách, hay tắc đường không phải là trở ngại”.

Có thể bạn quan tâm

1
Bạn cần hỗ trợ?