Các chuyên gia cho rằng, khách hàng chỉ nên mua chung cư khi 50% thu nhập hàng tháng đủ để trả gốc và lãi cho căn hộ mình mua.
Nên mua chung cư khi có bao nhiêu tiền vẫn là đề tài được dư luận quan tâm do nhu cầu sở hữu nhà ở vẫn rất cao. Việc tài chính chưa đủ 100% để mua nhà hầu như ai cũng mắc phải, nhưng hiện nay nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay tới 70% giá trị căn hộ.
Theo đó, tại thời điểm mua mà chủ đầu tư sẽ kết hợp cùng với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng sẽ cho người mua vay khoảng 70% giá trị căn nhà bằng cách thế chấp chính căn nhà định mua hoặc dùng tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay. Số tiền vay gốc và lãi vay sẽ được trả dần theo thời gian thanh toán cùng với mức lãi suất do hai bên cho vay và đi vay thỏa thuận.
Như vậy, để mua được nhà chung cư hiện nay khách hàng phải có ít nhất 30% giá trị căn hộ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc mua nhà chỉ nên diễn ra khi tình hình tài chính khả quan.
Số tiền vay càng lớn cũng đồng nghĩa với việc các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi cũng sẽ càng cao. Vì thế, người mua cũng nên cân nhắc đến một tỷ lệ vay phù hợp.
Mặc dù ngân hàng có thể cho vay tới 70%, thông thường ngưỡng vay an toàn là từ 30-50% tức là không nên vay quá 50% giá trị căn nhà muốn mua. Hoặc là số tiền lãi và gốc hàng tháng không vượt quá 50% thu nhập một tháng để tránh áp lực trả nợ.
Về câu hỏi nên mua chung cư khi có bao nhiêu tiền, các chuyên gia tư vấn, với khoản vay 1 tỷ đồng, thời gian vay 15 năm và cho dù với lãi suất ưu đãi 7,99% trong suốt cả chu kỳ vay thì số tiền phải trả hàng tháng cũng đã trên dưới 10 triệu đồng. Nếu lãi suất cho vay cao hơn thì số tiền phải trả cao hơn nữa. Do đó, nếu số tiền cần trả (bao gồm gốc và lãi) là 10 triệu thì thu nhập tối thiểu phải từ 20 triệu trở lên thì mới nên cân nhắc đi vay mua nhà.
Nếu có sự hỗ trợ từ người thân và gia đình để vay mua nhà, nên đảm bảo nguồn tài chính của bản thân cộng với sự hỗ trợ của gia đình luôn lớn hơn nợ phải trả. Hơn nữa còn một yếu tố nữa cần xem xét đó là sự hỗ trợ này là không hoàn lại, hay chỉ đơn thuần là cho vay lãi suất thấp.
Bạn cũng không nên tính dùng toàn bộ nguồn tiền hỗ trợ từ gia đình dành cho việc thanh toán khoản vay mua nhà. Ví dụ giá trị căn nhà 2 tỷ, bạn có 600 triệu đồng, bạn không nên sử dụng toàn bộ tiền hỗ trợ của gia đình (giả sử 500 triệu đồng) để đủ 55% giá trị căn nhà rồi đi vay ngân hàng 45% còn lại. Bởi nghe qua thì sẽ thấy có lợi vì giảm số tiền vay ngân hàng xuống. Tuy nhiên, vay mua nhà thời gian khá dài, để an toàn, có thể bạn chỉ tính tới sự hỗ trợ từ gia đình một phần, chẳng hạn là 400 triệu đồng, tương đương với việc bạn chỉ có 50% và đi vay 50%.
Việc phân bổ như vậy là vì bạn không thể biết trước được khi nào những bất trắc có thể xảy đến với mình. Nếu gặp rủi ro tài chính như giảm thu nhập trong vài ba tháng, thì 100 triệu còn lại sẽ là phao cứu sinh giúp bạn lúc khẩn cấp, còn nếu không gặp rủi ro thì đến giai đoạn cuối, bạn vẫn có thể sử dụng khoản tiền hỗ trợ này để hoàn trả cho ngân hàng, hoặc có thể đem đầu tư sinh lời. Cho nên, trong ví dụ này, để an toàn, thì thu nhập nên sẵn sàng đủ trả lãi và gốc cho khoản vay trị giá 50% giá trị căn nhà thay cho 45% như cách tính ban đầu.
Để giảm áp lực vay nợ, người mua nhà mà không đủ tiền được khuyến cáo có thể áp dụng quy tắc 30/30/3.
Thứ nhất, không vay vượt quá 30% tổng thu nhập hằng tháng. Sẽ đáng lo ngại khi nhiều người phá vỡ quy tắc này để mua ngôi nhà đắt đỏ hơn, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất thấp.
Thứ hai, nên có khoản tiết kiệm bằng ít nhất 30% giá trị căn nhà. Trong đó, số tiền tương đương 20% căn nhà sẽ dùng để trả trước, còn 10% để làm dự trữ tiền mặt. Nếu bạn có kế hoạch mua nhà trong vòng 6 tháng tới hãy chuẩn bị ít nhất 20% tiền trả trước bằng tiền mặt. Đồng thời không nên đầu tư số tiền tiết kiệm vào cổ phiếu hoặc tài sản rủi ro cao nếu thời gian mua nhà của bạn quá ngắn.
Thứ ba, giá nhà không nên quá 3 lần tổng thu nhập hằng năm. Đây là một cách nhanh chóng để sàng lọc những ngôi nhà phù hợp với khả năng tài chính của mình.