Bất động sản sẽ ra sao trước những cái “lắc đầu” cho vay của ngân hàng?

  20/04/20228:34 sáng

Khoảng vài tháng trở lại đây một số ngân hàng thông báo siết tín dụng đối với mảng cho vay bất động sản trước chủ trương kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực này.

Sacombank vừa có văn bản gửi toàn hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, yêu cầu “không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho cán bộ, nhân viên và người thân vay mua/ xây/ sửa bất động sản để ở”.

Theo đó, việc cấp tín dụng tại ngân hàng này sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…

Một ngân hàng khác là Techcombank hồi cuối tháng 3 cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản. Cụ thể, việc giải ngân các khoản vay mua bất động sản sẽ được tạm dừng cho đến hết quý I/2022, việc giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện khi sang quý II/2022.

Mới đây nhất, tại dự án Đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc, Công ty CP TVĐT & KD BĐS Thành Đạt cũng bất ngờ có thông báo cho các đại lý điều chuyển hồ sơ gói vay cá nhân cho khách hàng mua nhà từ ngân hàng MB Bank sang các Bank khác.

Cụ thể, thông báo nêu rõ: “Tại thời điểm 31/3/2022 đối với các hồ sơ gói vay cá nhân của Khách hàng tại Ngân hàng MB Bank mà chưa có thông báo chấp thuận cho vay, chúng tôi đề nghị đại lý tư vấn cho khách hàng điều chuyển hồ sơ sang các ngân hàng khác theo chỉ định của chủ đầu tư là Vietcombank, VPbank, Vietin Bank kể từ ngày 1/4/2022”. Như vậy, theo thông báo này MB Bank đã không còn là đơn vị tài trợ chính cho dự Meyhomes Phú Quốc nữa.

Ngoài những ngân hàng trên, hiện nay nhiều nhà băng cũng đang cơ cấu lại các khoản cho vay bất động sản. Nếu trước kia các dự án dễ dàng được ngân hàng cho vay thì hiện nay điều kiện tài trợ vốn có phần ngặt nghèo hơn.

Nhận định về tác động của việc siết tín dụng cho vay đối với bất động sản, các chuyên gia đều có chung nhận định thị trường bất động sản sẽ trở nên minh bạch hơn sau động thái siết tín dụng, tránh xảy ra bong bóng bất động sản khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.

Việc siết tín dụng sẽ thanh lọc một lượng lớn giới đầu cơ dùng đòn bẩy tài chính trên thị trường. Với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy ngân hàng, vay vốn mua đất để đầu cơ, để phân lô bán nền, lướt sóng mua bán sang tay ngắn hạn sẽ gặp khó khăn khi cần vay ngân hàng để mua vào.

Cùng với đó, việc siết tín dụng sẽ khiến nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ sẽ cẩn trọng hơn, lựa chọn những kênh đầu tư phù hợp hơn, không đầu tư vào những dự án bất động sản không đầy đủ pháp lý, chậm tiến độ.

Nhận định về ảnh hưởng của việt siết tín dụng lên giá thị trường BĐS sắp tới, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định chung việc siết tín dụng sẽ không làm giá bất động sản đi xuống. Có chăng thanh khoản sẽ giảm và giá đi ngang. Nguyên nhân bởi đối với những nhà đầu tư dài hạn, nhóm có dự trù tài chính tốt, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi họ đã có kế hoạch dài hơn.

Về phía doanh nghiệp BĐS, nhiều doanh nghiệp lớn dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án. Thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô phát triển dự án. Những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn.

Trong kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Như vậy, trong thời gian tới, các Ngân hàng sẽ tiếp tục siết mạnh việc cho vay bất động sản.

Theo các chuyên gia, việc này sẽ giúp tạo thêm cơ hội cho những người mua bất động sản không cần đòn bẩy tài chính, cũng như giúp những người có nhu cầu thực không bị cạnh tranh mạnh từ những người đầu cơ ngắn hạn.

Có thể bạn quan tâm

1
Bạn cần hỗ trợ?