Du lịch Hải Phòng “hồi sinh” sau 2 năm đại dịch

  29/03/20224:41 sáng

Trước ngày mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế đến Việt Nam, Hải Phòng đã lên nhiều kế hoạch để đón du khách trở lại, phục hồi ngành du lịch của tỉnh.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải – ông Phạm Trí Tuyến cho biết: ngay khi nhận được thông tin chính thức về thời gian mở cửa du lịch, đơn vị này đã nhanh chóng lập kế hoạch cũng như triển khai nhiều hoạt động cụ thể để quảng bá cho du lịch Cát Bà.

Trong đó, UBND huyện đặt rất nhiều kỳ vọng vào giải đua xe đạp toàn quốc Cúp truyền hình TP HCM lần thứ ba với chủ đề là non sông liền một dải, xuất phát từ Quảng Ninh đích tới là miền Nam, bao gồm một chặng đua tại Cát Bà được truyền hình trực tiếp.

Ngoài ra, về công tác chuẩn bị đón khách du lịch, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn triển khai một số nhiệm vụ như: đảm bảo tuân thủ quy định phòng, chống dịch; phòng, chống cháy nổ; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường cảnh quan thanh sạch, đẹp cả dưới nước lẫn trên bờ; rà soát lại toàn bộ các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ, sau hai năm không hoạt động nên phải kiểm tra bảo dưỡng đặc biệt; các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ được yêu cầu niêm yết giá…

Bên cạnh đó, ông Tuyến cũng thông tin thêm, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt lao động của các doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà đã tan tác nên tuyển dụng nhân sự mới là nhu cầu cấp thiết.

“Huyện Cát Hải đã khảo sát để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn ngành du lịch. Đại diện huyện và các xã sẽ đứng ra liên kết với các trường ngành du lịch, kịp thời đáp ứng nhân sự đúng mùa du lịch năm nay…”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Ở cấp cao hơn, thông tin từ Sở Du lịch Hải Phòng phát đi cho biết, trước mắt thành phố đặt trọng tâm vào du lịch nội địa. Cụ thể, giai đoạn đầu thu hút khách là người dân sống ngay tại Hải Phòng, đồng thời liên kết du lịch với Hà Nội và các tỉnh trong chương trình hợp tác, thiết lập hành lang du lịch an toàn của 12 tỉnh, thành phố phía Bắc. Tiếp đó, sẽ thu hút nhóm khách đến từ các trọng điểm du lịch miền Đông Nam Bộ và TP.HCM…

Các sản phẩm du lịch sẽ tập trung vào 5 nhóm cơ bản gồm: du lịch thể thao như: golf, đua xe đạp, chạy marathon, du thuyền… phục vụ cho những khách có khả năng chi trả cao; du lịch MICE (du lịch hội thảo, hội nghị) phục vụ các doanh nhân, chính trị gia và văn nghệ sĩ; du lịch trải nghiệm hướng tới khách hàng là gia đình, học sinh, sinh viên; du lịch văn hóa tâm linh dành cho phụ nữ và người lớn tuổi; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo dành cho giới trẻ.

Vịnh Lan Hạ là địa điểm thu hút rất đông du khách quốc tế, tuy nhiên 2 năm qua thẳng cảnh này rơi vào cảnh đìu hiu vì dịch bệnh

Riêng đối với thị trường khách quốc tế, căn cứ vào khả năng thích ứng tích cực trong đại dịch, dự báo khách du lịch đến từ khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á sẽ sớm đến với Hải Phòng, sau đó là khách đến các thị trường du lịch trọng điểm như châu Âu và Bắc Mỹ…

Đặc biệt, nhằm đón đầu làn sóng hồi phục ngành du lịch, HĐND thành phố Hải Phòng đã đặc biệt miễn giảm phí tham quan một số danh lam thắng cảnh ngay khi du lịch mở cửa.

Không chỉ ở những cấp quản lý, các doanh nghiệp lữ hành tại Hải Phòng cũng ráo riết chuẩn bị cho ngày mở cửa. Ông Lý Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch Hải Nam chia sẻ, ngay sau thông tin ngày 15/3 Việt Nam sẽ mở cửa du lịch, ông đã liên hệ với các nhân sự cũ và nhận được khá nhiều lời đồng ý quay lại làm việc.

“Sau hai năm bị Covid-19 tàn phá, Việt Nam mở cửa du lịch là tin vui với hoạt động du lịch lữ hành. Mặc dù các đơn đặt hàng cũng chưa có ngay nhưng đây vẫn là nguồn động viên rất lớn, giúp những người tâm huyết với nghề du lịch nhìn thấy cơ hội phát triển”, ông Tuấn nói.

Nhìn chung, trước mắt, các doanh nghiệp du lịch lữ hành sẽ kết nối lại với tất cả các khách hàng quen, đồng thời mở rộng mạng lưới quảng cáo trực tuyến, mở thêm dịch vụ làm visa cho những người xuất khẩu lao động…

Tuy nhiên, chủ các doanh nghiệp tại Hải Phòng dự đoán, ngành du lịch mới chỉ có thể khôi phục lại khoảng 35%. Bởi lẽ, những quy định phòng chống dịch đối với người nhập cảnh của Việt Nam là quá chặt chẽ, gây ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp nên khách nội địa cũng khá hạn chế.

Có thể bạn quan tâm

1
Bạn cần hỗ trợ?